Kinh tế đêm không chỉ có chợ đêm, phố đi bộ…
(NLĐO) – Cần xác định kinh tế đêm không chỉ có phố đi bộ, chợ đêm, ăn uống về đêm mà còn gồm tất cả những hoạt động kinh tế đáp ứng nhu cầu của người dân địa phương và khách du lịch.
Sau khi đăng bài viết "Hối hả với sản phẩm du lịch đêm", liên quan Đề án một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL), Báo Người Lao Động tiếp tục ghi nhận ý kiến của các chuyên gia, doanh nghiệp xung quanh giải pháp khai thác "mỏ vàng" từ kinh tế đêm.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel Holdings: Đừng để kinh tế đêm èo uột mãi
Là người từng nhiều lần đề xuất phải có chiến lược phát triển kinh tế đêm, tôi cho rằng chính sách, chủ trương, định hướng nhất quán đã có. Thời gian qua, rất nhiều tỉnh, thành cũng đã triển khai nhưng vẫn còn lúng túng.
Kinh tế đêm là gì? Kinh tế đêm không chỉ có phố đi bộ, chợ đêm, ăn uống…, mà phải bao gồm tất cả những hoạt động kinh tế ban ngày, đáp ứng nhu cầu của người dân địa phương và du khách.
Kinh tế ban đêm bao gồm các mặt của kinh tế ban ngày, thêm những sản phẩm, dịch vụ đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách sau một ngày làm việc mệt mỏi, cần nghỉ ngơi, thư giãn…
Không đơn thuần chỉ là một số hoạt động nhất định, là những mảnh ghép rời rạc như một số địa phương đang làm, chưa khai thác hết tiềm năng của loại hình kinh tế này.
Cùng với định hướng, chủ trương, chính sách, cơ chế cho kinh tế ban ngày, cũng cần quy định tương tự với kinh tế ban đêm, pháp luật phải rõ ràng để triển khai.
Nội hàm kinh tế đêm gồm những giá trị về văn hóa, phong tục, tập quán; những hoạt động mua sắm, thương mại… dường như chúng ta đang lúng túng, cần thay đổi bằng cách xác định cần những gì thật sự đặc thù, có tính đột phá.
Câu chuyện định hướng và phát triển kinh tế đêm cần được nghiên cứu cụ thể theo hướng khai thác lĩnh vực này sẽ đóng góp bao nhiêu % vào tăng trưởng kinh tế; tạo ra bao nhiêu việc làm; đóng góp cho doanh thu của địa phương và nền kinh tế ra sao? Cần mục tiêu rõ ràng để từ đó Chính phủ, bộ, ngành và địa phương trong quá trình triển khai bố trí nguồn lực tham gia phù hợp. Cần được đầu tư xứng đáng cả về nguồn lực, cơ chế, chính sách để phát triển đúng tiềm năng.
Theo đề án, Bộ VHTTDL nêu rõ có cơ chế thu hút đầu tư xây dựng các tổ hợp vui chơi tổng hợp riêng biệt quy mô lớn, đẳng cấp khu vực và quốc tế tại Hà Nội, TP HCM và Đà Nẵng giai đoạn 2021-2025. Sau khi tổng kết, đánh giá quá trình thực hiện tại các địa phương, từ sau năm 2026 sẽ xem xét nhân rộng tại các điểm đến còn lại… Cần xác định các địa phương trọng điểm đầu tư cho giai đoạn 1 phù hợp, đâu là trung tâm, đâu là thị trường nguồn phát triển, phải xác định được rồi mới cụ thể hóa giải pháp. Cần xác định điểm đến nào nên đầu tư xứng tầm, đừng để những phố đi bộ, chợ đêm vừa mở ra đã đóng lại, du lịch về đêm và kinh tế đêm cứ èo uột mãi.
Bà Phan Yến Ly, chuyên gia du lịch: Phải làm kinh tế đêm căn cơ, bài bản hơn
Du lịch ban ngày của chúng ta chưa thật sự hấp dẫn nên cần thêm các hoạt động du lịch về đêm nhằm tạo thêm giá trị gia tăng, thêm sản phẩm cho du khách. Do đó, xây dựng và phát triển đề án du lịch đêm, phát triển kinh tế đêm là cần thiết. Một số phố đi bộ đang hoạt động ở Hội An (Quảng Nam), phố đi bộ Nguyễn Huệ (TP HCM), Phố cổ ở Hà Nội… đang khá thu hút người dân địa phương và du khách.
Mục tiêu của đề án là đến năm 2025, Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Hội An (Quảng Nam), Đà Lạt (Lâm Đồng), Cần Thơ, Phú Quốc (Kiên Giang), TP HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu phấn đấu có tối thiểu 1 mô hình về phát triển sản phẩm du lịch đêm.
Nay, để triển khai đề án mới với những mục tiêu, giải pháp cụ thể một cách hiệu quả, tôi cho rằng cần phải làm căn cơ, bài bản. Kinh tế đêm cần có các hoạt động về đêm từ ẩm thực, vui chơi, giải trí, mua sắm như phố đi bộ đêm ở Hồ Gươm. Du khách có thể khám phá ẩm thực, tham quan phố cổ, đền miếu hay thưởng thức văn nghệ…
Muốn làm du lịch về đêm hiệu quả, cách đơn giản nhất là nhìn sang những điểm đến đang hiệu quả ở Hàn Quốc, Nhật Bản; có giải pháp thu hút đầu tư, xã hội hóa để làm sản phẩm, thay đổi sản phẩm du lịch về đêm cho hấp dẫn hơn.
Ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch HĐQT Du ngoạn Việt: Cần thêm sản phẩm du lịch đêm
Đề án một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm của Bộ VHTTDL có bước tiến mới là nghiên cứu, xem xét đề xuất điều chỉnh quy định thời gian cung cấp dịch vụ, cho phép tổ chức các hoạt động dịch vụ ban đêm đến 6 giờ sáng hôm sau tại các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Hội An (Quảng Nam), Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Lạt (Lâm Đồng), Cần Thơ, TP HCM, Phú Quốc (Kiên Giang), Bà Rịa - Vũng Tàu.
Các chuyên gia cho rằng cần nghiên cứu, khảo sát mô hình du lịch đêm ở các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore để áp dụng, xây dựng phù hợp cho du lịch Việt Nam.
Như vậy, các sản phẩm du lịch về đêm sẽ có khung pháp lý để đáp ứng thêm nhiều nhu cầu của du khách, thay vì chỉ đi dạo tới 21-22 giờ thì về ngủ…
Một xu hướng sau dịch COVID-19 là khách quốc tế đến Việt Nam ngắn ngày hơn nên họ muốn tranh thủ đi chơi vào buổi tối và ban đêm nhiều hơn, nhất là khách tàu biển. Nếu ngành du lịch khai thác được những mô hình kinh tế đêm, du lịch về đêm đủ hấp dẫn thì sẽ kích thích nhu cầu tăng chi tiêu, lưu trú dài hơn của khách.
Theo Thái Phương - Người Lao động.