Truyền thuyết Tháp Bà Ponagar Nha Trang
TRUYỀN THUYẾT THÁP BÀ PONAGAR NHA TRANG
Thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa được biết đến là nơi có nhiều di tích, danh lam thắng cảnh, nhưng nổi tiếng và có lịch sử lâu đời nhất là quần thể Tháp Bà Ponagar. Tháp Bà Ponagar không chỉ là một công trình kiến trúc đã tồn tại hơn 10 thế kỷ mà còn in đậm dấu ấn văn hóa của nền văn minh cổ. Đây là điểm đến không thể bỏ qua đối với du khách trong và ngoài nước.
Tháp Bà Ponagar hay còn gọi là Tháp Bà, Thiên Y tháp cổ, nằm trên đồi Cù Lao, bên dòng sông Cái của thành phố biển Nha Trang xinh đẹp. Phía Đông là cửa biển với hàng trăm tàu thuyền chen chúc đậu. Tháp Bà được Vương quốc cổ Chămpa cho xây dựng trong khoảng từ thế kỉ thứ 8 đến thế kỉ thứ 13. Thời điểm xây dựng tháp cũng là thời kỳ đạo Hindu (Ấn Độ giáo) hưng thịnh nhất ở Chămpa.
Tháp cổ Ponagar gắn liền với nữ thần Thiên Y A Na mang đậm chất huyền thoại. Tương truyền, nữ thần Thiên Y A Na là vị tiên giáng trần, đã có công dạy cho nhân dân biết cách trồng lúa, nuôi tằm, dệt vải, may vá,…
Cho đến nay, những câu chuyện huyền bí khác nhau về nữ thần Thiên Y A Na vẫn còn được lưu truyền trong dân gian và sử sách. Trong Mộc bản sách Đại Nam nhất thống chí, quyển 11, mặt khắc 37, 38 còn ghi lại như sau: “Tháp cổ Thiên Y: Ở trên đỉnh núi Cù Lao huyện Vĩnh Xương có ba toà tháp. Tháp phía tả cao 6 trượng, thờ thần Thiên Y A Diễn Bà có tượng đá. Tháp phía hữu cao hai trượng, thờ Bắc Hải Thái tử.
Mộc bản sách Đại Nam nhất thống chí, quyển 11, mặt khắc 37, 38 ghi về truyền thuyết Tháp Bà Ponagar ở Nha Trang
Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV
Tương truyền Thiên Y là một nàng tiên, ban đầu giáng xuống núi Đại Điền. Thuở ấy có hai vợ chồng ông già ở sườn núi, trồng dưa để sinh sống. Khi dưa chín, thường bị hái trộm, ông lấy làm lạ để ý rình. Một đêm nọ, ông thấy một cô gái độ 13, 14 tuổi, từ bóng cây khoan thai đi đến, cầm dưa vần chơi ở dưới bóng trăng. Ông đón lại gạn hỏi, thì ra chính là người đã hái trộm dưa từ trước. Ông thương cô gái còn nhỏ rất xinh, bèn đem về nuôi. Cô gái dịu dàng tha thướt, là người của trời sinh, nên hai ông bà rất thương yêu. Ngày nọ, mưa lũ bỗng tràn đến, cô gái sực nhớ phong cảnh cũ ở núi Tam Thần, liền kiếm cây hoa, chất mảnh đá đắp làm núi giả để chơi. Ông già thấy vậy, bực tức la mắng. Đang lúc cô gái oán giận thì có cây già nam trôi theo nước lũ đến đó, bèn biến hình nhập vào thân cây ấy, rồi cây trôi theo nước lũ dạt vào bờ biển phương Bắc. Người phương ấy thấy cây thơm lạ, rủ nhau khiêng về nhà, nhưng nặng quá không nhấc lên nổi. Lúc bấy giờ, vị Thái tử nước ấy nghe nói, bèn đến bờ biển xem, rồi xuống vớt cây nâng lên tay, đem về để nơi điện các.
Thái tử khi ấy vừa 20 tuổi, chưa có vợ, thường ngày đến vỗ về thân cây, trong lòng bồi hồi vẩn vơ. Có khi chợt thấy bóng trắng thoang thoảng mùi thơm, trông lờ mờ như có người đi thoáng đến, nhiều lần như thế, trong lòng lấy làm lạ. Đêm nọ, sau khi mọi người đều yên giấc, Thái tử đi đến chỗ cũ rình xem thì cũng lại thấy như đêm hôm trước, liền đi sát đến tận nơi, thì ra một cô gái đẹp. Nàng hoảng hốt muốn chạy trốn, nhưng bị Thái tử giữ lại gạn hỏi, không thoát thân được, cô đành phải kể lại duyên cớ. Thái tử nửa sợ nửa mừng, tâu lên vua cha. Vua sai bói được quẻ tốt, bèn cho cùng nhau kết hôn. Vợ chồng ăn ở với nhau được ít lâu, sinh được một người con trai đặt tên là Tri và một con gái tên là Quý.
Một hôm bà nhớ nơi ở cũ, bèn dắt con trai con gái nhập vào cây gỗ hương, vượt biển theo hướng Nam, thẳng đến cửa biển Cù Huân, rồi tìm về chỗ cũ tại ven núi Đại Điền. Đến nơi thì hai ông bà trồng dưa đã mất rồi, bèn lập đền thờ chỗ ấy để phụng thờ.
Thấy dân ở vùng này khờ dại, thật thà không biết việc sinh nhai và phòng hoạn nạn, bà bèn dạy cho họ những phép tắc và bày cho cách làm ăn. Bà lại cho đục đá ở núi Cù Lao làm bức tượng truyền thần, rồi đương lúc ban ngày, bay lên trời đi mất.
Sau khi bà về Nam, Thái tử ở Bắc Hải không biết bà đi đâu, bèn sai người đáp thuyền đi tìm. Khi bọn lính đến Cù Huân, thì giở giọng hách dịch hà hiếp dân sở tại và không kính trọng tượng thần. Tức thì, thình lình nổi trận cuồng phong làm cho chiếc thuyền chở bọn đó bị lật úp xuống, hoá thành một đống đá to.
Từ đấy về sau, bà càng hiển linh. Có khi cưỡi voi trắng đi dạo trên đỉnh núi. Mỗi khi bà xuất hiện, nghe trong núi có ba tiếng nổ vang như súng lớn; có khi bà hiện hình như giải lụa bay giữa không trung; lại có khi bà cưỡi cá sấu qua lại trong vùng đảo Yên núi Cù. Dân địa phương ngưỡng vọng, cho là thần, nên cầu khẩn việc gì thường được ứng nghiệm, bèn xây hai ngọn tháp trên núi Cù Lao; Tháp phía tả thờ chúa Tiên (thần Thiên Y), tháp bên hữu thờ Thái tử, phía sau tháp dựng đền nhỏ thờ hai con của bà. Phía tả tháp, lại xây một đền nhỏ nữa để thờ hai ông bà trồng dưa. Trước tháp có bia đá, chữ khắc trên bia là lối chữ như con nòng nọc, không ai hiểu được nghĩa.
Hoa quả trong vườn ai đến hái ăn đều được, nhưng không được đem ra ngoài. Mỗi dịp tuần tiết thì các loài thú vật trên rừng và cá tôm dưới biển đều đến phủ phục và bơi lượn trước đền. Người Chiêm Thành gọi là A Na Diễn Bà Chúa Ngọc Thánh Phi.
Buổi đầu nhà Nguyễn, phong tặng bà là Hồng Nhân Phổ tế Linh Ứng Thượng Đằng thần và cắt ba người dân làng Cù Lao sung làm phu đền. Những danh nhân qua đây, có nhiều người dựng bia, đề thơ để kỷ niệm danh thắng như nguyên Hiệp biện lãnh Thượng thư Phan Thanh Giản, Bố chánh Khánh Hoà Nguyễn Quỳnh, Tuần phủ Thuận Khánh Nguyễn Thịnh, Bố chánh Bình Thuận Trần Điển, sung Điển nông sứ Phan Trung,… đều có dựng bia. Thượng thư bộ Hình sung Chánh sứ Lê Tuấn, Tham tri bộ Lễ Nguyễn Văn Tường, Đốc học Khánh Hoà Đinh Nho Quang đều có thơ đề vịnh”.
Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, cho đến nay Tháp Bà Ponagar vẫn còn tồn tại bền vững với thời gian. Hàng năm, cứ vào ngày 20 – 23 tháng 3 âm lịch, lễ hội Tháp Bà Ponagar lại được tổ chức trọng thể. Người dân từ khắp mọi miền tổ quốc mang theo lễ vật, hành hương về Tháp Bà Ponagar bày tỏ lòng biết ơn đối với mẹ Ponagar người đã dạy người dân cách trồng lúa, chăn nuôi, dệt vải và đưa người Chăm Pa đến cuộc sống ấm no. Đây cũng là lễ hội dân gian lớn nhất của tỉnh Khánh Hòa.
Bên cạnh lòng thành kính suy tôn thần Thiên Y An Na, lễ hội Tháp Bà Ponagar lại còn là dịp để nhân dân thể hiện những khát vọng, ước mơ của mình về một xã hội thanh bình, ấm no, giàu tình nhân ái, củng cố mối đoàn kết cộng đồng ngày càng thêm chặt chẽ. Lễ hội Tháp Bà Ponagar ở Nha Trang đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2012./.
Phương Thảo
Tài liệu tham khảo:
1. Hồ sơ H20, Mộc bản Triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;
2. Hồ sơ H21, Mộc bản Triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.
Nguồn: https://mocban.vn/truyen-thuyet-thap-ba-ponagar-nha-trang/
Từ khoá: Truyền thuyết Tháp Bà Pongar Nha Trang, Tháp Bà Ponagar, Thiên Y tháp cổ, Thiên Y A Na,