Trần Đường
Tổng trấn Trần Đường sinh năm Kỷ Hợi (1839), quê thôn Hiền Lương, xã Vạn Lương, huyện Vạn Ninh (nay là ở Tổ dân phố 14, thị trấn Vạn Giã, huyện Vạn Ninh). Ông là người thông Hán văn, giỏi võ nghệ từng làm quan dưới triều vua Tự Đức.
Tháng 9 năm 1858, tiếng súng thực dân Pháp nổ ở Đà Nẵng đã dấy lên lòng căm thù quân xâm lược trong cả nước. Ở nhiều địa phương nhân dân nổi dậy kháng chiến. Năm 1884, triều đình phong kiến nhà Nguyễn nhu nhược ký Hiệp ước Patenotre chấp nhận nền bảo hộ của nước Pháp. Tuy nhiên, trong nội bộ triều Nguyễn vẫn còn một bộ phận quan lại có tư tưởng chống Pháp, phe chủ chiến đứng đầu là Tôn Thất Thuyết ủng hộ vua Hàm Nghi lên ngôi (1885), tổ chức cuộc phản công quân Pháp ở kinh thành Huế. Cuộc phản công thất bại, Tôn Thất Thuyết phò vua Hàm Nghi ra Quảng Trị xuống chiếu Cần Vương (13/7/1885) kêu gọi sĩ phu, văn thân và nhân dân cả nước phò vua cứu nước.
Trước bối cảnh lịch sử đó, ở Khánh Hòa, Trần Đường cùng Trịnh Phong, Nguyễn Khanh, Lê Nghị, Phạm Chánh, Nguyễn Dị, Nguyễn Lương, Nguyễn Sum, Phạm Long, Tú tài Nguyễn Trung Mưu là những thân hào nhân sĩ đứng lên thành lập “Bình Tây cứu quốc đoàn” với khẩu hiệu: “Tiểu tặc trừ gian bình quốc loạn; Hưng binh ứng nghĩa phục giang san”, kêu gọi nhân dân gia nhập nghĩa quân, đóng góp lương thực, luyện tập binh sĩ, đúc rèn vũ khí sẵn sàng chiến đấu chống thực dân Pháp xâm lược.
Ông được phong làm Tổng trấn, phụ trách khu vực phía Bắc Khánh Hòa, đảm nhận vai trò Phó tướng cho Bình Tây Đại tướng Trịnh Phong, đóng tổng hành dinh ở núi Phổ Đà.
Dựa vào địa hình giáp biển và núi non chia cắt tạo nên thế hiểm trở, lãnh đạo phong trào đã cho thiết lập một hệ thống phòng thủ cửa biển ở Nha Trang, đồi Trại Thủy, Rọ Tượng, Hòn Khói, Dốc Thị, Tu Bông, sẵn sàng đánh bật các cuộc đổ quân từ biển của quân Pháp. Trước khí thế của nghĩa quân, nhất là uy tín của các thủ lĩnh, quan lại đầu tỉnh đang trấn nhậm trong Thành Diên Khánh đã chủ động giao Thành và quyền binh lại cho nghĩa quân cai quản, Thành Diên Khánh trở thành Tổng hành dinh. Phong trào Cần Vương ở Khánh Hòa đã được các tầng lớp nhân dân tích cực ủng hộ về lương thực, thực phẩm, vận động thanh niên tham gia nghĩa quân chuẩn bị kháng chiến lâu dài.
Năm 1885, quân Pháp dùng tàu chiến đánh chiếm Khánh Hòa, Trịnh Phong trực tiếp chỉ huy giao Thành Diên Khánh cho Lê Nghị trấn giữ. Quân Pháp bị nghĩa quân chặn đánh nhiều trận ở cửa sông Cù Huân, Hòn Thơm, Hòn Đá Lố, thành Diên Khánh, Lỗ Ngô, Nước Trong, Hòn Một, đèo Bánh Ít đã làm tiêu hao sinh lực địch. Nhưng với ưu thế về vũ khí hiện đại của đội quân xâm lược, quân đội Pháp đã chiếm được thành Diên Khánh.
Sau khi thành Diên Khánh thất thủ, để bảo toàn lực lượng Trịnh Phong đưa quân ra phía Bắc cùng với lực lượng của Tổng trấn Trần Đường lập các tuyến phòng giữ các cửa biển Hòn Khói, Vạn Giã, Tu Bông, xây dựng căn cứ ở Hòn Hèo và Thùng Nhà Bùi (Nà Bùi). Quân Pháp dùng tàu chiến tấn công chiếm Hòn Khói, nghĩa quân phải rút lên căn cứ Hòn Hèo và Thùng Nhà Bùi (Nà Bùi) để tổ chức phòng thủ, tiếp tục cuộc chiến đấu.
Cuộc kháng chiến kéo dài hơn một năm Pháp không tiêu diệt được nghĩa quân. Chúng ra sức dụ dỗ, mua chuộc Trần Đường, Trịnh Phong và các nghĩa sĩ của ông, song không lay chuyển được lòng yêu nước, chí khí anh hùng. Nhiều trận đánh oanh liệt giữa quân Pháp và nghĩa quân như: trận mai phục ở Dốc Thị (Vạn Ninh), trận đánh rải trái mù u ở đèo Bánh Ít (Ninh Hòa), trận phục kích tại bến Cây Gạo (trên sông Lốt, xã Ninh Trung, Ninh Hòa) gây cho địch nhiều thiệt hại nặng nề.
Đến giữa năm 1886, quân Pháp tăng viện binh từ Gia Định, bằng mọi cách tiêu diệt lực lượng kháng chiến ở Khánh Hòa. Chúng tổ chức các cuộc càn quét lớn tàn phá làng mạc, chém giết người dân vô tội, dùng tay sai chỉ đường đánh phá căn cứ của nghĩa quân.
Sau khi dùng mọi phương cách nhưng vẫn không tiêu diệt được lãnh đạo phong trào, thực dân Pháp và tay sai kéo đến thôn Hiền Lương đốt hết nhà cửa và bắt giam nam phụ lão ấu trong làng cùng toàn bộ gia đình của Tổng trấn Trần Đường để uy hiếp. Trước tình cảnh trên, với khí phách của người cương trực, anh hùng Trần Đường đến nạp mình cho giặc, không dụ được Ông đầu hàng, thực dân Pháp chặt đầu Ông bêu ở chợ ba ngày, sau đó mới cho đem về quê chôn cất.
Năm 1886, sau khi bị thực dân Pháp xử chém, nhân dân đưa Ông về làng chôn cất, lúc đầu mộ chỉ được xếp bằng đá xung quanh. Năm 1964, dòng tộc Tổng trấn Trần Đường tôn tạo mộ, xây tường bao xung quanh. Năm 2002, khu mộ tiếp tục được tôn tạo. Năm 2019, tỉnh Khánh Hòa tôn tạo lại khu mộ khang trang, sạch đẹp như hiện nay.
Khu mộ gồm hai ngôi mộ có kiểu dáng giống nhau, theo tương truyền một ngôi chôn phần đầu và một ngôi chôn phần thân (khi Tổng trấn Trần Đường bị thực dân Pháp xử chém phần thân được đưa về chôn trước, phần đầu bị thực dân Pháp bêu ở chợ sau đó được nhân dân đem về chôn cất sau). Mộ hình chữ nhật (rộng 1,2m dài 2,6m) toàn bộ được ốp đá đen, nền lát đá granit đỏ, mặt bia có dòng chữ Quốc ngữ:“ Phần Mộ TỔNG TRẤN TRẦN ĐƯỜNG (1839 – 1886)”.