Du lịch Sinh thái Khánh Sơn
Du lịch sinh thái Khánh Sơn
Khánh Sơn là huyện miền núi của tỉnh Khánh Hòa, nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, mát mẻ quanh năm. Dựa trên những lợi thế có sẵn, huyện đã triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy du lịch của địa phương.
Địa điểm du lịch nổi tiếng
Thác Tà Gụ (còn có tên gọi là Thác Ngà Voi, Đá Đứng): cao khoảng 40m, gắn liền với truyền thuyết dân gian đặc sắc của dân tộc Raglai.
Thác Dốc Quy
Thác Lavan
Cao nguyên Tà Giang
Thung lũng Tô Hạp
Di chỉ khảo cổ học Dốc Gạo
Nền văn hóa đặc sắc
Đặc biệt, nền văn hóa Raglai đậm đà bản sắc dân tộc, có bề dày văn hóa truyền thống được thể hiện qua bộ “Đàn đá Khánh Sơn” và “Văn hóa Cồng chiêng”.
Lịch sử hào hùng
Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, Khánh Sơn từng là căn cứ cách mạng với những mặt trận ác liệt như: trận chiến Thiên Đầu Thủy tháng 6/1963 diễn ra tại căn cứ Suối Giá xã Ba Cụm Bắc, trận Xóm Cỏ, Tô Hạp và sân bay Tà Nĩa…
Lâm sản và đặc sản
Khánh Sơn có nhiều loại lâm sản, đặc sản có giá trị, đặc biệt có hương cây Tô Hạp được dùng làm thuốc để chữa bệnh (phong thấp, đường hô hấp, trị bệnh viêm da…), nhựa thông ba lá (loại cây mọc thành rừng ở Khánh Sơn). Nhờ điều kiện thiên nhiên ban tặng cho vùng đất Khánh Sơn về khí hậu, đất đai nên thích hợp cho các loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, như: bưởi da xanh, măng cụt, mía tím, chôm chôm, mít nghệ... Đặc biệt, phải kể đến sầu riêng Khánh Sơn đã có thương hiệu trên thị trường và gần đây trở thành cây chủ lực giúp huyện chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đem lại một đời sống ấm no hơn cho cộng đồng dân cư.
Dân tộc
Huyện Khánh Sơn có tổng diện tích trên 33.853 ha, dân số toàn huyện là 27.021 người, với 13 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó, đại đa số là đồng bào Raglai (khoảng 70,57%), dân tộc Kinh (28,45%), còn lại là các dân tộc thiểu số khác, như: Tày, Thái, Nùng, Ê đê, Thổ, Hoa, Chăm... (0,98%).
Khánh Sơn đang là điểm đến hấp dẫn du khách với cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ, văn hóa độc đáo và con người thân thiện, mến khách.