Trịnh Phong
BÌNH TÂY ĐẠI TƯỚNG TRỊNH PHONG
Trịnh Phong sinh ra ở làng Phú Vinh, tổng Xương Hà, huyện Vĩnh Xương. Thuở nhỏ, ông là người thông minh, học giỏi. Năm 1864, ông thi đậu Cử nhân võ và được triều đình nhà Nguyễn phong chức Đề đốc, nhậm chức tại Quảng Nam.
Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta ở Đà Nẵng. Sau đó, chúng chiếm được Lục tỉnh Nam Kỳ và có tham vọng chiếm luôn cả vùng đất thuộc quyền quản lý của nhà Nguyễn. Trước âm mưu xâm lược của thực dân Pháp, trong khi triều đình nhà Nguyễn chia làm hai phe gồm phe chủ chiến và phe chủ hòa nên ông đã từ quan, trở về quê hương nung nấu ý chí, chờ đợi thời cơ đánh đuổi quân xâm lược.
Sau Hiệp ước Patenôtre năm1884, Khánh Hòa là tỉnh thuộc vùng quản lý của triều đình nhà Nguyễn (thuộc Trung Kỳ). Năm 1885, vua Hàm Nghi lên ngôi, là một vị vua trẻ có lòng yêu nước, được Tôn Thất Thuyết – vị quan theo phái chủ chiến ở triều đình ủng hộ. Năm 1885, cuộc phản công ở Kinh thành Huế do Tôn Thất Thuyết chỉ huy đã nổ súng tấn công quân Pháp. Tuy không thành công, vua quan nhà Nguyễn không từ bỏ ý chí, Tôn Thất Thuyết đã đưa vua Hàm Nghi ra Quảng Trị, chuẩn bị kháng chiến lâu dài và ban Chiếu Cần Vương kêu gọi nhân dân cả nước đứng lên giúp vua cứu nước.
Chiếu Cần Vương như một hiệu lệnh thống nhất cho phong trào yêu nước ở các địa phương. Trên phạm vi cả nước, nhân dân đã nổi dậy kháng chiến ở nhiều nơi, phong trào phát triển ngày một mạnh mẽ và được các sĩ phu cả nước hưởng ứng.
Tại Khánh Hòa, Trịnh Phong đã cùng các ông: Lê Nghị, Trần Đường, Nguyễn Khanh, Phạm Chánh, Nguyễn Dị, Nguyễn Lương, Nguyễn Sum, Phạm Long, Tú tài Nguyễn Trung Mưu là những thân hào nhân sĩ đứng lên thành lập “Bình Tây cứu quốc đoàn” với khẩu hiệu: “Tiểu tặc trừ gian bình quốc loạn; Hưng binh ứng nghĩa phục giang san”, kêu gọi nhân dân gia nhập nghĩa quân, đóng góp lương thực, luyện tập binh sĩ, đúc rèn vũ khí sẵn sàng chiến đấu chống thực dân Pháp xâm lược.
Nhờ đức độ và tài trí hơn người, Trịnh Phong được nghĩa quân và nhân dân tôn làm Bình Tây đại tướng, thống lĩnh nghĩa quân. Trong quá trình xây dựng lực lượng, về mặt quân sự Trịnh Phong chia Khánh Hòa làm hai phân khu: phân khu Bắc do Trần Đường chỉ huy, phân khu Nam do ông và Lê Nghị trực tiếp chỉ huy. Dựa vào địa hình giáp biển và núi non chia cắt tạo nên thế hiểm trở, Trịnh Phong đã cho thiết lập một hệ thống phòng thủ dọc bờ biển ở Nha Trang, Rọ Tượng, Hòn Khói, Tu Bông, sẵn sàng đánh bật các cuộc đổ quân từ biển của Pháp. Trước khí thế của nghĩa quân, nhất là uy tín của Trịnh Phong và các thủ lĩnh, nghĩa quân ngày càng lớn mạnh, quan lại đầu tỉnh đang trấn nhậm trong Thành Diên Khánh đã chủ động giao Thành và quyền binh lại cho nghĩa quân cai quản, Thành Diên Khánh trở thành Tổng hành dinh của nghĩa quân. Phong trào Cần Vương ở Khánh Hòa đã được các tầng lớp nhân dân tích cực ủng hộ nhất là về lương thực, thực phẩm, vận động thanh niên tham gia nghĩa quân.
Tháng 8/1885, quân Pháp đổ bộ lên cửa sông Cù Huân (Nha Trang), Trịnh Phong giao Thành Diên Khánh cho Lê Nghị trấn giữ, ông trực tiếp chỉ huy nghĩa quân chặn đánh quân Pháp tại cửa sông Cù Huân, Hòn Thơm, Hòn Đá Lố… Nhờ có sự chuẩn bị chu đáo và thông thuộc địa hình, lại được nhân dân hết lòng giúp sức, che chở, nghĩa quân đã mưu trí dụ địch vào sâu rồi thực hiện lối đánh du kích, chia cắt, phân tán đội hình, gây cho chúng nhiều thiệt hại.
Bằng tinh thần mưu trí, dũng cảm nghĩa quân đã đánh bại âm mưu đánh nhanh thắng nhanh của địch. Trong thời gian đầu nghĩa quân bảo toàn lực lượng, liên tiếp đánh thắng ở các nơi: Bá Hà (Hòn Khói – Ninh Hòa), giải vây thành công Thành Diên Khánh sau 21 ngày đêm bám trụ giữ Thành, bức rút đồn binh duy nhất của Pháp tại Hòn Khói. Tháng 12 năm 1885, nghĩa quân Cần Vương Khánh Hòa phối hợp với nghĩa quân các tỉnh Nam – Trung Bộ đánh chiếm lại Thành Diên Khánh và làm chủ phần lớn tỉnh Khánh Hòa. Theo báo cáo của viên công sứ Pháp Aymonier gửi cho Thống đốc Nam Kỳ “…..ở Khánh Hòa có quan nổi loạn đã làm chủ toàn tỉnh và đang tập hợp nhân dân thành các đội quân bảo vệ xóm làng, giữ gìn trật tự…”
Sau nhiều lần tổ chức tấn công, chiếm đóng nhưng đều bị thất bại nặng nề, quân Pháp đã có những điều chỉnh về chiến lược. Giữa năm 1886, địch tăng cường viện trợ từ Gia Định, tập trung lực lượng tiến đánh chiếm lại tỉnh Khánh Hòa, đồng thời ra sức khủng bố gia đình nghĩa quân, đặc biệt là gia đình của lãnh đạo phong trào. Chúng sử dụng hoạt động gián điệp, phản gián, ra sức mua chuộc chia rẽ nội bộ nghĩa quân và dùng những tên Việt gian bán nước dẫn đường trấn áp nhân dân, cô lập nghĩa quân với nhân dân. Sau khi nắm rõ địa hình và với ưu thế hơn hẳn về vũ khí, chiến thuật, quân Pháp đã mở nhiều cuộc tấn công lớn, chúng điên cuồng tàn sát nghĩa quân, dìm phong trào trong bể máu và đã chiếm được một số vị trí quan trọng, trong đó có Thành Diên Khánh.
Trước thế mạnh của địch, Trịnh Phong cho rút quân ra phía Bắc Khánh Hòa, hợp quân với Trần Đường, Phạm Chánh, Nguyễn Sum, Phạm Long lập phòng tuyến giữ cửa biển Hòn Khói, xây dựng căn cứ ở Thùng nhà Bùi, Hòn Hèo. Khi quân Pháp đánh chiếm Hòn Khói, nghĩa quân rút lên căn cứ tổ chức phòng thủ.
Tuy nghĩa quân vẫn chiến đấu kiên cường gây cho chúng một số tổn thất nhưng trước những thế mạnh về quân sự của địch, phong trào đấu tranh của nghĩa quân ngày càng suy yếu. Lãnh đạo phong trào như: Trịnh Phong, Trần Đường, Nguyễn Khanh, Phạm Chánh, Phạm Long, Nguyễn Sum bị địch giết hại, hàng trăm tướng lĩnh và nghĩa quân bị kẻ thù giam cầm.
Phong trào Cần Vương ở Khánh Hòa bị dập tắt nhưng tinh thần chiến đấu anh dũng kiên cường, bất khuất đã để lại trong lòng nhân dân Khánh Hòa một tình cảm đặc biệt sâu sắc, nhân dân đã suy tôn ba thủ lĩnh của phong trào Cần Vương tại Khánh Hòa là Trịnh Phong, Trần Đường, Nguyễn Khanh với danh hiệu “Khánh Hòa tam kiệt”.
Cái chết của Bình Tây Đại tướng Trịnh Phong cho đến nay vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Tuy nhiên, chúng ta có thể nhận ra rằng, giữa cái án kẻ thù gây ra và những câu chuyện dân gian có nhiều điểm tương đồng. Vào thời điểm Trịnh Phong bị quân thù sát hại và một thời gian dài sau đó, thực dân Pháp đã thực hiện chính sách cai trị rất khắc nghiệt, do vậy không ai dám công khai chôn cất và lập am, miếu thờ cúng những người đã ngã xuống vì nghĩa lớn của dân tộc, nhất là lãnh tụ các phong trào, đó là điều dễ hiểu. Riêng về Bình Tây Đại tướng Trịnh Phong, việc nhân dân thông qua những câu chuyện truyền kỳ nhằm che dấu chính quyền thực dân, hợp thức hóa am, miếu để thờ Trịnh Phong, người có công với quê hương, đất nước cũng chính là một cách làm hay, sáng tạo, tỏ lòng thương tiếc, tri ân với những người có công với nước – là một nét đẹp truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam.