Lễ hội Cầu Ngư

LỄ HỘI CẦU NGƯ KHÁNH HÒA LÀ DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ QUỐC GIA

Ngư dân Khánh Hòa thường tổ chức Lễ hội cầu ngư sau Tết Nguyên đán hàng năm, khi bước vào mùa biển mới, nhằm tạ ơn Thần Nam Hải (cá voi) đã phù trợ cho ngư dân trong những chuyến ra khơi, tưởng nhớ các bậc tiền nhân, đồng thời cầu quốc thái dân an, mong được mùa trong vụ biển mới.

Lễ hội đã tái hiện các nghi lễ như: rước nghinh ông, cúng tế tại lăng thờ, rước sắc phong, hò bá trạo, múa lục cúng hoa đăng. Trong Lễ hội cầu ngư, phần quan trọng nhất là nghi thức cúng tế tại lăng thờ Thần Nam Hải.

Chủ trì nghi thức này gồm có 4 ông: chánh tế, bồi tế, tả ban và hữu ban cùng 4 học trò lễ dâng rượu và đèn. Lễ hội cầu ngư mở đầu bằng rước Thần Nam Hải về lăng. Kết thúc lễ hội là lễ cúng tống na, tức tiễn thần đi.

Lễ hội cầu ngư ở Khánh Hòa đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2014. Lễ hội cầu ngư là một hoạt động văn hóa mang tính tín ngưỡng trong đời sống tâm linh của người dân vùng biển, đặc biệt là vùng duyên hải Nam Trung bộ, bắt nguồn từ tục thờ Thần Nam Hải./.

Từ những truyền thuyết đầy màu sắc thần bí và niềm tin tưởng sâu sắc của các ngư dân, “Cá Voi” đã được linh thiêng hóa thành một vị “Phúc thần” của biển cả, được ngư dân vùng ven biển tôn thờ với những danh từ thể hiện sự tôn kính như: Đức Ông, Cá Ông hay Ông Nam Hải…

Theo các nhà chuyên môn, tín ngưỡng thờ cúng Ông Nam Hải là một tín tục đã có từ lâu đời, được lưu truyền và tiếp nối liên tục từ thế hệ này sang thế hệ khác. Bằng chứng là tục thờ Ông Nam Hải đã được nhắc tới trong các sử liệu của Triều Nguyễn như: Gia Định thành thông chí (của Lê Quý Đôn), Đại Nam nhất thống chí và Đại Nam thực lục chính biên của Quốc sử quán Triều Nguyễn.

Mặt khác, vị “Phúc thần” này cũng được chính quyền phong kiến trung ương chính thức công nhận qua việc ban tặng Sắc phong cho “Cá Voi” với các mỹ hiệu mang đậm giá trị nhân văn như: Ngọc Lân, Nhân Ngư và Đức Ngư.

Lễ hội Cầu ngư Khánh Hòa còn bảo lưu các nghi thức truyền thống với các nghi lễ: Lễ rước sắc, lễ Nghinh Ông, hò bá trạo, lễ Tỉnh sanh, lễ Tế chánh, Thứ lễ và Tôn vương, lễ Tống na.

Với nhiều nét đặc thù, hội tụ đầy đủ những giá trị văn hóa cổ truyền và có tác động sâu rộng đến đời sống tinh thần của cư dân vùng biển đảo, lễ hội Cầu ngư Khánh Hòa là yếu tố tổng hợp các hình thức nghệ thuật truyền thống, diễn xướng dân gian, các trò chơi dân gian… tạo thành một bức tranh sinh động, đa sắc của ngày hội làng biển.

Lễ hội Cầu ngư là ngày hội văn hóa làng biển của cộng đồng ngư dân ở Khánh Hòa, qua đó giáo dục lòng yêu quê hương đất nước, hướng về cội nguồn và tạo nên sự cố kết cộng đồng từ bao đời nay của cư dân vùng biển.

Lễ hội Cầu Ngư (hay còn gọi là Lễ hội Cá Ông) là nét đẹp văn hoá của ngư dân các làng chài ven biển Nam Trung bộ. Lễ hội tái hiện lại một cách sinh động phong tục truyền thống thờ cúng Cá Ông theo những truyền thuyết mang đậm nét văn hóa dân gian.

Theo các nhà nghiên cứu văn hoá, Lễ hội Cầu Ngư, thờ cúng Cá Ông là một hiện tượng văn hóa dân gian tiêu biểu của ngư dân ven biển, đặc biệt là ven biển Nam Trung bộ. Lễ hội cúng Cá Ông có vị trí đặc biệt trong đời sống tâm linh và tín ngưỡng của cộng đồng ngư dân, đặc biệt là ngư dân các làng vạn chài. Qua thời gian, lễ hội càng được củng cố trong cộng đồng ngư dân ven biển và trở thành lễ hội truyền thống của bà con ngư dân.

Tục thờ cúng Cá Ông, còn gọi là thần Nam Hải, bắt nguồn từ tín ngưỡng thờ cá của người Việt các tỉnh Bắc bộ. “Ông” là tiếng gọi tôn kính của ngư dân dành riêng cho cá voi, loài cá thường giúp họ vượt qua tai nạn khi lênh đênh trên biển cả. Trong dân gian, người Việt cũng như người Chăm và người Hoa đều cho rằng cá voi không phải là loài cá bình thường mà là một loài cá thần. Biểu hiện ở đây không phải là sức vóc to lớn và sức chịu đựng khác thường, mà là loài cá có suy nghĩ, có tình cảm và đặc biệt là sự cảm nhận và tâm linh như con người. Không phải chỉ ngày xưa mà ngay cả tới bây giờ nhiều người vẫn nghĩ thế. Do đó, việc tôn thờ và thờ phụng rất tôn nghiêm.

Trong sự chuyển hóa cá voi từ một loài vật nơi biển cả thành một vị Thần của cư dân sống bằng nghề biển, có vai trò của vương triều nhà Nguyễn. Nhiều đời vua nhà Nguyễn đã ban sắc phong tặng cá voi là “Nam Hải cự tộc Ngọc Lân tôn Thần”. Liên tiếp trong nhiều thế kỷ, các triều đại vua khác nhau đã ban sắc phong cho thần Nam Hải, chính thức công nhận tục thờ cúng Cá Ông tại các làng quê dọc ven biển miền Trung. Lăng Ông luôn được làng chài thờ cúng quanh năm và đặc biệt vào mùa xuân hay mùa thu hằng năm, lễ hội cúng Cá Ông theo nghi lễ truyền thống, rất trang trọng.

Thờ Cá Ông ở đây không chỉ được xem là sự tôn kính thần linh mà còn gắn liền với sự hưng thịnh của cả làng. Hàng năm, thường là sau khi ăn Tết xong, ngư dân tổ chức lễ tế Cá Ông lồng ghép dưới hình thức Lễ hội Cầu Ngư và lễ ra quân đánh bắt vụ cá nam.   

Lễ hội được diễn ra trong hai ngày, ngày đầu thiết lễ tiên thường, ngày sau là lễ tế chính thức. Trong ngày lễ, bàn thờ được trang hoàng hết sức rực rỡ, trang nghiêm. Các nhà đều đặt bàn hương án bày đồ lễ cúng. Trên mỗi tàu thuyền đều chăng đèn kết hoa. Làng chọn ra một ban nghi lễ gồm các cụ cao niên, hiền đức, có uy tín với bạn chài và không bị mắc tang chế. Vị chánh bái dâng đồ tế lễ (không được dùng hải sản) và đọc văn tế nói lên lòng biết ơn của dân làng đối với công đức Cá Ông và cầu mong mùa đánh bắt bội thu, thuyền bè đi khơi về lộng an toàn.

Rạng sáng ngày hôm sau, dân làng đánh trống làm lễ rước trên biển. Có nơi còn tổ chức lễ rước Ông từ làng này qua làng khác để bày tỏ sự đoàn kết giữa các làng vạn chài. Tất cả tàu thuyền ra khơi đến một vị trí đã định trước và vị chánh tế tổ chức “xin keo”. Đó là lễ Cá Ông chứng giám lòng thành của ngư dân ngoài biển. Vào nửa đêm hôm đó, dân làng làm lễ chánh tế bao gồm lễ khai mõ, đội học trò dâng hương.

Về phần hội, tuỳ điều kiện, mỗi địa phương có một hình thức tổ chức riêng, nhưng cũng đều là các trò chơi dân gian vùng biển: lắc thúng, đua thuyền, bơi lội, kéo co, đá bóng... Về văn nghệ, ngoài hát tuồng, hát hò khoan, còn có một hình thức múa hát đặc trưng của Lễ hội Cầu Ngư là múa hát bả trạo (bả: nắm, trạo: chèo đò) diễn tả tinh thần đoàn kết giữa các thành viên trong một con thuyền, vượt qua sóng to gió cả, mang về một mùa bội thu cho ngư dân. Hát múa bả trạo, vừa là nghi thức tế lễ vừa là hoạt động nghệ thuật. Bả trạo là hoạt cảnh múa hát, thể hiện sinh hoạt, lao động của ngư dân như chèo thuyền, kéo lưới hoặc đặc tả cảnh đưa linh, rước hồn “Đức Ông”.

Lễ hội Cầu Ngư lưu giữ trong mình tín ngưỡng dân gian, phong tục tập quán cùng mối quan hệ mật thiết với tín ngưỡng tâm linh. Tất cả những mối quan hệ ấy gắn bó chặt chẽ với nhau, hòa quyện vào nhau, có tác động qua lại ảnh hưởng lẫn nhau trong quá trình tồn tại cho đến ngày nay vẫn mang đậm những đặc trưng văn hóa biển. Lễ hội còn thể hiện ý thức "Uống nước nhớ nguồn", tưởng nhớ công đức của các vị tiền hiền, có công lập làng, dựng nghề và thông qua lễ hội thắt chặt thêm tình đoàn kết gắn bó giữa các ngư dân làng chài ven biển.

Nguyễn Hữu Nguyên