Xứ trầm, khơi dậy hương trầm

 “XỨ TRẦM” KHƠI DẬY HƯƠNG TRẦM

      

    Sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn, phần viết về thổ sản của tỉnh Khánh Hoà có ghi: “Vùng núi các huyện đều có kỳ nam, trầm hương. Dân xã An Thành huyện Tân Định hàng năm đi kiếm để nạp, năm nào không có kỳ nam phải nạp thay bằng trầm hương”. Nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu văn hoá, Quách Tấn đã kịp ghi vào lòng người dân Khánh Hoà để họ truyền tụng sâu rộng vào dân gian câu thơ: “Khánh Hoà là xứ trầm hương/Non xanh nước biếc người thương đi về.

     Theo sự tìm hiểu của anh Dũng thì thông tin đáng tin cậy từ các cụ cao niên mà ngày nay vẫn còn con cháu nối nghiệp đi địu (nghề khai thác trầm kỳ) cho biết, nơi phát tích nghề đi địu ở Khánh Hoà là từ thôn Quang Đông, xã Ninh Đông, huyện Ninh Hòa nhưng còn trước đó thì vẫn chưa biết người huyện Tân Định (Ninh Hòa ngày nay) học nghề này từ đâu. Anh cũng cho biết thêm: anh sinh ra, lớn lên trên cái nôi của xứ trầm hương, đã từng lập “Bầu”(tập họp nhóm người) đi địu và gắn bó mật thiết với đội ngũ những người đi địu để cùng sẻ chia những hiểm nguy, gian khó của cái sự “ngậm ngải tìm trầm” trong dân gian. Mặc dù anh Dũng là đầu mối mua bán trầm đáng tin cậy của dân đi địu không chỉ ở Ninh Hoà mà còn lan xa đến nhiều địa phương thuộc các tỉnh miền trung, tây nguyên đã hơn 20 năm qua nhưng đến 2013, khi mà nhà nước ta vận hành thông suốt chính sách hợp pháp việc kinh doanh mua bán và xuất khẩu trầm hương anh mới đứng ra xin thành lập công ty kinh doanh và sản xuất hương trầm. Anh tâm sự : “Tuy là có chậm, nhưng tôi tin rằng sự có mặt của công ty tôi trong làng trầm hương Việt Nam sẽ là nhân tố liên kết bền vững, là sự góp sức thiết thực giúp cho xứ trầm ta khơi dậy hương trầm ngày càng lan toả rộng khắp năm châu bốn bể”. Để thực hiện được khát vọng ấy, theo anh thì phải xây dựng từng bước thật chắc chắn. Trước mắt, công ty đã cùng với Hội trầm hương của tỉnh phải nổ lực mở rộng các cơ sở sản xuất nhang trầm, trầm mỹ nghệ để giúp giải quyết lao động cho con em các gia đình có cha anh sống chết với nghề đi địu được an tâm trong quá trình tìm khai thác trầm; lập quỹ đủ mạnh để kịp thời hỗ trợ giải quyết khó khăn cho  lực lượng tham gia đi địu. Qua đó chứng minh cho khách hàng trong nước và quốc tế phân định được giá trị đặc trưng của các loại trầm hương trong tự nhiên là không thể thay thế được. Trong thực tế thị trường trầm hương ở Việt Nam ta hiện nay, vì là một sản vật quý hiếm có giá trị kinh tế lớn nên ngay từ lúc ươm mầm đã bị cỏ dại xâm lấn dữ dội. Chúng ta cần phải tỉnh táo, kiên trì, đoàn kết, hợp lực sử dụng sáng tạo nhiều biện pháp nhặt cỏ dại nhằm xây dựng chữ “Tín” một cách bền vững trong lòng khách hàng. Có làm được điều này chúng ta mới thành công về mọi mặt. Anh nói: “Với tôi, vượt lên trên mọi giá trị, trầm hương còn có giá trị tâm linh, nên người tham gia sản xuất và kinh doanh trầm hương bằng mọi giá phải bảo tồn cho được nguồn vốn lớn nhất là một cái tâm chính trực và trong sáng”.

Vào những năm gần đây, với sự xuất hiện của một vài cơ sở sản xuất, kinh doanh trầm hương trên địa bàn của tỉnh như: Cơ sở sản xuất mỹ nghệ trầm hương của ông Hùng thôn Phú Hội xã Vạn Thắng huyện Vạn Ninh, Công ty Trầm Hương Khánh Hoà của ông Tưởng ở đường Lý Tự Trọng thành phố Nha Trang, cộng với sự ra đời của công ty TNHH Trầm Hương Biện Quốc Dũng cùng ngọn lửa khát vọng trong lòng của vị giám đốc, Hội viên Hội trầm hương Việt Nam, phụ trách cương vị Phó chủ tịch Hội Trầm Hương Khánh Hoà, Biện Quốc Dũng, đã thực sự truyền vào lòng chúng tôi niềm tin và sự cảm nhận hương trầm ở chính xứ trầm đang được khơi dậy. Hy vọng một ngày gần đây nhà nước ta sẽ có giải pháp tốt để tổ chức, hướng dẫn bộ phận dân cư chuyên sinh sống bằng nghề đi địu và quản lý việc khai thác, sản xuất, kinh doanh trầm hương đạt hiệu quả cao để trầm hương Việt Nam nói chung và trầm hương Khánh Hoà có cơ hội thuận lợi lan toả như loài chim yến đã được bay xa, đem lại cho du khách quốc tế cảm nhận khi đến Việt Nam, vào đất Khánh Hoà là đến với thực danh của một quê hương có Non trầm, Biển yến. 


Nguyễn Hữu Nguyên