Lịch sử Nha Trang - Khánh Hòa
Vùng đất Khánh Hòa từ giữa thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XVIII
L.T.S: Từ ngày 6-3, Báo Khánh Hòa mở chuyên mục hướng tới kỷ niệm 370 năm xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa (1653 – 2023) nhằm tuyên truyền quá trình lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất Khánh Hòa; giáo dục truyền thống, lịch sử văn hóa; giới thiệu, quảng bá những tiềm năng, lợi thế phát triển của tỉnh; vẻ đẹp của đất và người Khánh Hòa… qua đó, khơi dậy khát vọng, ý chí tự lực, tự cường để xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa ngày càng phồn vinh, giàu đẹp.
Đại Nam nhất thống chí có ghi, năm 1653 vua Chăm là Bà Tấm sai quân quấy nhiễu biên cảnh, giết dân ở Phú Yên, chúa Nguyễn Phúc Tần sai cai cơ Hùng Lộc vào chống giữ, nhân đêm tối vượt núi Thạch Bi, phóng hỏa đốt thành tiến đến tận sông Phan Lang. Vua Chăm sai con mang thư hàng và xin dâng đất cho chúa từ phía đông sông Phan Rang trở ra đến Phú Yên, chúa bèn chấp thuận, đặt dinh Thái Khang, chia làm hai phủ Thái Khang và Diên Ninh, giao cho Hùng Lộc trấn thủ. Như vậy, kể từ đây vùng đất này đã trở thành một bộ phận của Tổ quốc Việt Nam thống nhất hôm nay.
Cùng với việc thiết lập hệ thống hành chính, một bộ phận dân cư ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên đã vào đây sinh sống. Vào thời điểm này, vùng đất Thái Khang còn tương đối hoang vu, ruộng đất không có nhiều, dân cư thưa thớt. Chính sách có nhiều ưu đãi và tương đối cởi mở lúc đầu của các chúa Nguyễn đối với những miền đất mới đã góp phần đẩy nhanh quá trình chiêu dân, lập ấp, từng bước ổn định cuộc sống của người Việt (và của một số người Chăm) nơi đây. Ban đầu, những lưu dân người Việt đến định cư ở những vùng đồng bằng do các con sông lớn tạo thành, như dọc theo con sông Dinh (Ninh Hòa), sông Cái (Nha Trang, Diên Khánh). Một bộ phận cư dân sống bằng nghề biển đến tụ cư ở Tu Bông, Vạn Giã (Vạn Ninh); Hòn Khói, Ninh Phú (Ninh Hòa); Vĩnh Hải, Vĩnh Nguyên, Vĩnh Trường (Nha Trang)… Cùng với quá trình hình thành xóm làng, những thiết chế văn hóa truyền thống của người Việt như đình làng để thờ Thành hoàng, chùa thờ Phật cũng được xây dựng. Đại Nam thực lục tiền biên cho biết, mùa xuân năm Kỷ Dậu (1669) chúa sai văn chức là Hồ Quang Đại bắt đầu làm việc duyệt tuyển (tức kiểm kê lập sổ đinh để thu thuế người và ruộng đất) ở hai phủ Diên Ninh và Thái Khang. Như vậy, chỉ sau 16 năm số đinh ở hai phủ cùng ruộng đất ở đây đã khá ổn định và thực sự tạo ra một nguồn thu đáng kể cho Nhà nước.
Trong khoảng 100 năm, dinh Thái Khang và sau này là Bình Khang (1742) được đặt dưới quyền quản lý của những viên quan cai trị rất giỏi, tiêu biểu trong số này có cai cơ đạo Nha Trang, doanh Thái Khang Nguyễn Dương Lâm (năm 1674); tiếp đến vì có quân công ông được thăng làm Thái Khang doanh trấn thủ, Kinh lý việc ngoài biên mãi đến năm 1689 chúa mới rút về kinh. Chưởng cơ Nguyễn Hữu Kính (tức Cảnh) sau sự kiện vua Chiêm Thành là Bà Tranh đem quân cướp phá phủ Diên Ninh năm 1692 bị ông bắt được đã lĩnh chức Bình Khang doanh trấn thủ đến đầu năm 1698, trước khi vào mở đất ở Đồng Nai, Sài Gòn - Gia Định ngày nay. Phạm Hữu Kính trấn thủ Nha Trang khoảng năm 1739, được đánh giá “làm quan thanh liêm, công bình, tự phụng đạm bạc, không nhận người đến yết kiến ở nhà riêng. Lại khéo xét đoán, hay phát hiện việc gian, tìm ra điều ẩn kín, được nha lại và nhân dân sợ phục”. Cuối đời, ông trở lại Nha Trang lần nữa, khi mất được tặng phong tấn trị công thần, đặc tiến Trụ quốc kim tử Vinh lộc đại phu, chính trị thượng khanh tham nghị, tên thụy là Văn Hiếu.
Đến nay, chúng ta không có những con số chính xác cho biết dân số Khánh Hòa ngày ấy là bao nhiêu, song nếu căn cứ vào ghi chép trong sử thì đời chúa Túc tông, năm Bính Ngọ (1726) sai ký lục Chánh dinh Nguyễn Đăng Đệ đi tuần xét các phủ xứ Quảng Nam, định chức, định lệ cho các thuộc mới lập, phủ Bình Khang 20 thuộc, phủ Diên Ninh 14 thuộc (mỗi thuộc trung bình khoảng 500 người). Như vậy, ở thời điểm ấy, Khánh Hòa có khoảng trên dưới 17.000 người và đây là số dân không nhỏ vào thời điểm lúc bấy giờ. Về thuế, ngoài số thuế về thóc lúa nông nghiệp còn có thuế ở các cửa biển, đèo, ải, cửa sông; nơi người buôn bán qua lại thì đặt sở tuần để đánh thuế hàng hóa. “Phủ Bình Khang có tuần Tắc Cu cửa Nhũ (tiền thuế hơn 107 quan), tuần Bình Khang (tiền thuế hơn 155 quan), tuần đèo Thạch Vọng (tiền thuế hơn 156 quan), tuần đèo Nha Trang (tiền thuế 163 quan), tuần Hòn Khói (tiền thuế 91 quan); thuộc phủ Diên Khánh có tuần Cam Ranh (tiền thuế hơn 105 quan), tuần Cù Huân và đò Cồn Lỡ (tiền thuế hơn 105 quan)”. Buôn bán thông thương khá tốt, hàng hóa sản xuất ở phủ Bình Khang, Nha Trang chủ yếu là trầm hương, mây, đường… do đường thủy, bộ, đi thuyền, đi ngựa đều tập hợp ở phố Hội An. Trong số 12 kho (là nơi thu chứa tiền thóc và sản vật của Nhà nước) từ Quảng Nam trở vào thì Bình Khang có 2 kho, kho Phủ Yên phủ Bình Khang, kho Phúc Yên (tức Khố Sơn) huyện Diên Ninh.
Để bảo vệ vùng đất này, các chúa Nguyễn rất quan tâm đến việc xây dựng lực lượng quân sự. Theo các tư liệu, dinh Bình Khang có Trung cơ, 13 thuyền, cùng đội tả mã; Tượng binh có 2 cơ Trung tượng, Bình tượng; Cơ Tả bộ 5 thuyền; Đội Thủy thắng 3 thuyền; Đội Hùng cơ 3 thuyền; Đội Hùng thủy 3 thuyền; Đội Kiên thủy 3 thuyền. Lại có 3 thuyền tạm binh để phòng giữ giặc biển. Như vậy, tại đây có 33 thuyền, mỗi thuyền trung bình 50 người, có tất cả hơn 1.000 quân cùng với 2 cơ Trung tượng, Bình tượng. Đây là số lính chính quy, không kể thuộc binh ở mỗi dinh. Tuy nhiên, khi có chiến tranh, con số đó đã được tăng lên nhiều. Ví như để chuẩn bị cho cuộc chiến tranh với Xiêm, Chưởng cơ Nguyễn Cửu Đàm làm khâm sai thống suất đốc chiến, cai bạ dinh Quảng Nam là Trần Phúc Thành làm khâm sai tham tán, lĩnh 10.000 quân thủy, bộ thuộc hai dinh Bình Khang, Bình Thuận và 30 chiếc thuyền chiến để hành việc điều khiển.
Như vậy, kể từ khi vùng đất này gia nhập lãnh thổ Việt Nam, biết bao thế hệ người Việt đã đổ mồ hôi và công sức để từng bước tạo dựng nên một miền đất trù phú, giàu đẹp. Trong quá trình sinh sống, người Việt đã tiếp xúc, giao lưu, trao đổi và hòa hợp văn hóa với dân tộc Chăm một cách hòa bình, thân ái qua hiện tượng tôn thờ nữ thần Mẹ xứ sở của người Chăm, qua thời gian được Việt hóa thành Thiên Y A Na Thánh Mẫu. Chúng ta còn có những tư liệu cho biết việc người Chăm khi lui về sống ở vùng Ninh Thuận đã bàn giao lại khu đền tháp Ponagar cho người Việt gìn giữ, trông coi qua một văn bản mà người Pháp có ghi lại. Bởi vậy, từ rất sớm Khánh Hòa đã trở thành “vùng đất trọng yếu một phương” của Tổ quốc mà các sử gia đã khẳng định.
Tư liệu
https://baokhanhhoa.vn/ky-niem-370-nam-hinh-thanh-phat-trien-tinh-khanh-hoa/202303/vung-dat-khanh-hoa-tu-giua-the-ky-xvii-den-giua-the-ky-xviii-8277082/