Nguyễn Thị Ngọc Oanh

Nguyễn Thị Ngọc Oanh, là một nhà trí thức, đã học xong tú tài ở trường Collège Francaise Hàn Thuyên – Nha Trang, rồi sau đó trở thành một nhà giáo. Trước cảnh quê hương đất nước đang bị giày xéo bởi ngoại bang, chị đã không sống an phận mà đến với cách mạng, để "đền nợ nước". Xin giới thiệu câu chuyện về cuộc đời chị do đồng chí Đinh Hòa Khánh, nguyên Bí thư Ban cán sự Đảng huyện Nam Ninh Hòa (301) thời chống Mỹ ghi lại.

"... Ngày 19/8/1967, cô giáo Nguyễn Thị Ngoc Oanh cố ý đến trường chậm hơn mọi ngày 15 phút. Vừa bước vào cổng trường tiểu học Trí Đức (Xóm Rượu – Ninh Hòa) cô thấy nhà trường đang đặt trong tình trạng giới nghiêm. Rất nhiều lính cảnh sát súng lăm lăm trong tay xộc hết chỗ này sang chỗ khác thu nhặt các tờ truyền đơn rơi trắng cả sân trường. Chúng gom các em học sinh lại từng cụm nhỏ, lục soát túi áo, túi quần, cặp sách vở nhưng không tìm thấy gì. Các em hồn nhiên, vô tư, reo hò chỉ trỏ khắp nơi, cùng cảnh sát đi nhặt truyền đơn. Ngoài đường bà con trong xóm, người đi đường đứng dụm lại ngơ ngác nhìn cảnh sát và hỏi nhau: “Chuyện gì vậy!”. Có người nói to lên: “Truyền đơn của Việt cộng rải đêm qua bà con ơi!”.

Oanh học cách sử dụng các loại lựu đạn và súng ngắn, cách sử dụng mìn hẹn giờ và thuốc nổ C4. Oanh thích nhất là mìn hẹn giờ và thuốc nổ C4. Oanh đề nghị cho đánh một quả mìn hẹn giờ vào nhà ở của 3 tên cố vấn Mỹ ở gần đồn GI (bộ chỉ huy địa phương quân của quận Ninh Hòa).

Kế hoạch đánh vào nhà cố vấn Mỹ đang chuẩn bị thuận lợi thì tôi nhận được chỉ thị của Tỉnh ủy phải lập gấp một sơ đồ bố phòng của địch tại thị trấn Ninh Hòa, chú ý nắm kỹ quân số, phiên hiệu các sắc lính, trang bị, công sự, vị trí đặt súng cối, súng máy... Tôi giao nhiệm vụ này cho Oanh. Rất nhanh, trong vòng hai ngày Oanh đã hoàn thành công việc khó khăn đó một cách khá chuẩn xác. Và cũng chính Nguyễn Thi Ngọc Oanh là người mang sơ đồ quân sự này đến một cơ sở hợp pháp tại Suối Ré, Vạn Khê, xã Ninh Lộc để chuyển về trên.

Tối đêm 28 tháng chạp năm 1968 âm lịch, tại nhà anh Nguyễn Kiến Đường xảy ra một việc rất ngoạn mục. Ở ngoài sân và thềm nhà, một trung đội nghĩa quân trải bạt nằm la liệt. Chúng mở to đài Sài Gòn để nghe hát cải lương và sát phạt đỏ đen với nhau. Chúng la hét, cãi cọ, chửi thề om sòm. Ở trong nhà, cửa đóng chặt, đèn điện chiếu sáng. Oanh, má Oanh, dì Oanh, Sáu, Bảy và tôi đang trải rộng lá cờ mặt trận giải phóng dài 3,5m; ngang 2,8m để may ngôi sao vàng vì cờ quá rộng. Sau khi khẩn trương may xong ngôi sao vàng, Oanh gấp nhỏ lá cờ lại, vừa cười vừa nói vui rất hóm hỉnh: “Có chuyện lạ đời, lính Sài Gòn được phái đến nghiêm ngặt canh gác để cho Việt cộng may cờ mặt trận giải phóng, chỉ tối mai này thôi lá cờ sẽ phấp phới bay trên cột cờ của trụ sở quận đường Ninh Hòa”.

Cũng trong đêm 29 âm lịch, lúc 3 giờ sáng một chiến sĩ giải phóng vai mang khẩu thượng liên RPD tập tễnh bước vào nhà. Đồng chí ấy rút trong túi áo ra chứng minh thư quân giải phóng và nói với cả nhà: “Tôi là quân giải phóng ở căn cứ Hòn Hèo được lệnh đánh vào bộ chỉ huy địa phương quân của địch. Nhưng do không có người dẫn đường nên không đánh được địch mà bị địch đánh trả nên bị thương ở đùi. Tôi chạy lạc sang khu vực này mong cả nhà che chở”.

Tên Ân – chỉ huy trưởng cảnh sát ngụy, tên Thạnh – thượng sĩ – cận vệ của Ân và 2 lính xộc vào buồng của Oanh và quát to: “Việt cộng đâu? Chỉ ngay”. Oanh chững chạc trả lời: “Các ông đánh nhau với Việt cộng cả ngày mồng một Tết, giờ họ đã rút hết về núi rồi, muốn tìm Việt cộng thì lên trên núi mà tìm, chứ giữa ban ngày ban mặt tại quận lỵ này làm gì có Việt cộng”. Tên Thạnh xông tới tát vào mặt Oanh một cái tát nảy lửa và hằn học quát: “Mày giấu Việt cộng ở đâu? Chỉ ngay”. Oanh tức quá nói ta: “Ông là đàn ông mà ức hiếp phụ nữ như vậy không biết xấu hổ à?”. Tên Thạnh xông tới định tát tiếp thì Oanh nói: “Các ông muốn tìm Việt cộng, tôi chỉ cho”. Nói xong Oanh vội bồng con ra ngoài trao cho mẹ và nói: “Mẹ ẳm con của con ra ngoài”. Oanh bước vào buồng với đôi mắt đỏ ngầu. Nhanh như cắt, Oanh kéo hộc đầu giường lấy quả lựu đạn Mỹ rút chốt (lựu đạn gài) xáng ngay trước mặt tên Ân và thét to: “Việt cộng đây!”. Một tiếng nổ chát chúa làm rung chuyển cả một vùng. Tên Ân chết ngay tại chỗ, tên Thạnh và 2 tên lính đều bị thương. Oanh bị thương rất nặng, máu ra nhiều.

Oanh tỏ lời cảm ơn các y bác sĩ và nói: “Vết thương của tôi quá nặng, tôi không thể sống được đâu. Tôi chấp nhận cái chết mà không ân hận gì vì tôi đã làm tròn nhiệm vụ: “Đền nợ nước”. Rồi Oanh ngất đi. Oanh trút hết tàn lực nói thật to, rành rọt từng tiếng và đây cũng là lời trăn trối cuối cùng: “Oanh Anh con! Mai sau con lớn lên con nên nhớ rằng trong người con có dòng máu cách mạng của mẹ”.

Mãi đến ngày 2-5-1995 mới tìm được hài cốt của người nữ anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân – liệt sĩ Nguyễn Thị Ngọc Oanh do cha con cụ già giữ nhà xác bệnh viện tỉnh chỉ chỗ."