LỄ HỘI - SỰ KIỆN
Nha Trang - Khánh Hòa cuốn hút du khách bởi tiềm năng phát triển du lịch nổi bật nhất của Việt Nam với bờ biển dài cùng hàng trăm đảo lớn nhỏ, nhiều vịnh biển được đánh giá là đẹp nhất thế giới như Vân Phong, Nha Trang, Cam Ranh…; nhiều bãi tắm đẹp, cát trắng, nước biển trong xanh, khí hậu ôn hòa. Khánh Hòa cũng là vùng đất có hệ thống tài nguyên du lịch nhân văn phong phú, trong đó có nhiều di tích cấp quốc gia: Tháp Bà Ponagar, di tích lưu niệm nhà bác học Alexandre Yersin, lễ hội đặc sắc như lễ hội Tháp Bà Ponagar, lễ hội Cầu ngư, lễ hội Yến sào… và các điểm tham quan nổi tiếng.
Các sự kiện nổi bật:
Festival Biển Nha Trang - Khánh Hoà đã trở thành lễ hội truyền thống của người dân xứ Trầm Hương (2 năm/lần), mang thông điệp quảng bá nét đẹp của đất và người trên vùng đất được thiên nhiên ưu đãi, giàu tài nguyên, giàu bản sắc văn hóa, luôn chào đón bạn bè khắp bốn phương; đồng thời, kêu gọi mọi người chung tay bảo vệ biển, bảo vệ môi trường biển, khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
Nha Trang được mệnh danh là nơi hội tụ của những cuộc thi nhan sắc, đó là vì từ năm 2006 đến nay, hàng loạt cuộc thi nhan sắc như: Hoa hậu thế giới người Việt, Hoa hậu Việt Nam, Hoa hậu Hoàn vũ thế giới, Hoa hậu Trái đất, Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam… lần lượt chọn Nha Trang làm “sân khấu” để những người đẹp từ các nơi tựu về tranh tài, đọ sắc.
Các Lễ hội tiêu biểu:
Khánh Hòa là vùng đất có nền văn hóa, lịch sử lâu đời. Các thế hệ cư dân Khánh Hòa từ miền xuôi đến miền ngược, từ nông thôn đến hải đảo, từ tộc người Chăm, Rag-lai đến Kinh, Hoa, Ê- đê, K’ho…, trong suốt quá trình hình thành và phát triển đã tạo dựng nên một diện mạo văn hóa Khánh Hòa vừa có nét chung của văn hóa miền Trung nước ta, vừa có bản sắc riêng. Điều đó được phản ánh qua các lễ hội truyền thống. Nếu như Lễ hội đình làng là một nét đặc trưng tiêu biểu của cư dân nông nghiệp ở Khánh Hòa gắn với công đức Thành hoàng làng, các bậc tiền nhân khai khẩn đất đai, có công xây dựng làng, lập ấp thì Lễ hội của ngư dân vùng biển, ngoài Thành hoàng làng, còn có thêm tục thờ cá voi (Ông Nam Hải) - loài cá thường cứu giúp người bị nạn ngoài biển khơi những khi sóng to gió lớn, đồng thời giúp cho ngư dân được mùa cá biển. Đặc biệt, trong quá trình chung sống, người Việt đã tiếp thu nhiều lễ hội của cư dân bản địa tạo ra các lễ hội văn hóa Chăm - Việt đặc sắc như lễ hội Am Chúa, lễ hội Tháp Bà với tục thờ Thánh Mẫu Thiên Y A Na. Cư dân Khánh Hòa còn tổ chức lễ tế tại các miếu, đền để tưởng nhớ những người có công với nước như Trịnh Phong, Trần Quí Cáp.... Ngoài ra, họ còn làm lễ thờ vọng Hùng Vương vào ngày 10 – 3, Đức Thánh Trần (Trần Hưng Đạo) vào tháng Tám Âm lịch hàng năm… Lễ hội ở Khánh Hòa có nhiều nét độc đáo, mang đậm tính dân gian. Các lễ hội đều xuất phát từ lao động, từ phong tục tập quán, không chỉ thuần túy mang yếu tố tín ngưỡng mà còn là hình thức sinh hoạt văn hóa tinh thần, thể hiện truyền thống tôn kính tổ tiên, “uống nước nhớ nguồn”, tưởng nhớ người có công xây dựng, bảo vệ quê hương, đất nước. Thông qua lễ hội, du khách trong và ngoài nước, những nhà nghiên cứu hiểu thêm về lịch sử, về những nét đẹp trong văn hóa truyền thống của con người và mảnh đất Khánh Hòà.
Lễ hội Tháp Bà diễn ra hàng năm từ ngày 20 đến 23 tháng 3 Âm lịch, tại khu di tích Tháp Bà Ponagar, thuộc phường Vĩnh Phước, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Các hoạt động chính diễn ra trong lễ hội bao gồm: lễ thay y (lễ tắm tượng), lễ thả hoa đăng, lễ cầu quốc thái dân an, dâng hương lễ Mẫu, tế lễ cổ truyền, lễ Khai Diên và lễ Tôn vương, Múa bóng và hát văn. Tất cả những hoạt động diễn ra trong lễ hội ở di tích tháp Bà Ponagar với không khí trang nghiêm, thể hiện tấm lòng thành kính, cùng không khí nhộn nhịp và hồ hởi càng làm tăng “tính thiêng” cho lễ hội tháp Bà Ponagar Nha Trang – Khánh Hòa.
Lễ hội Cầu Ngư – Hò bá trạo: Theo quan niệm của ngư dân, cá Ông (cá voi) là một loài cá thiêng ở biển, rất hiền hòa thường cứu giúp ngư dân trên biển trong cơn bão tố. Cá voi chết trôi dạt vào bờ ở địa phận của làng nào thì làng đó lập miếu thờ gọi là Lăng Ông Nam Hải, giữ gìn hài cốt của “Ông”. Dọc theo bờ biển từ Đại Lãnh – Vạn Ninh đến Nha Trang, Cam Ranh nhiều nơi có lăng và đền thờ cá Voi. Hàng năm, cứ đến ngày giỗ hoặc mùa xuân hoặc mùa thu, lễ tế Ông Nam Hải được tổ chức tại đình làng như một lễ hội. Hò Bá trạo vừa là một trò diễn dân gian, vừa là một nghi thức trong lễ tế.
Lễ hội Yến Sào: được tổ chức hàng năm vào ngày 10 tháng 5 âm lịch. Lễ hội do đông đảo người dân làm nghề lấy tổ yến tổ chức tại đảo Hòn Nội, nơi đặt Miếu thờ Bà Chúa Đảo Yến, với các nghi lễ trọng thể, trang nghiêm. Nghề khai hoang Yến Sào ở Khánh hòa đã có trên 600 năm, đây là một nghề “hái ra vàng” nhưng đầy hiểm nguy, rủi ro vì luôn phải treo mình trên vách đá chênh vênh để thu nhặt tổ yến. Vì thế, lễ hội là dịp người làm nghề tưởng nhớ công lao các bậc tiền bối, đồng thời cầu cúng, xin được ban ơn, ban phước lành.